Tin tức hiệp hội

TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG HIỆP HỘI NĂM 2021 - PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NĂM 2022

Năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, hoạt động của Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Điện Việt Nam gắn liền với sự phát triển chung của đất nước. Hiệp hội và các đơn vị thành viên đã hết sức nỗ lực khắc phục khó khăn, vừa thực hiện tốt phòng chống đại dịch Covid-19, vừa duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống cho người lao động. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức bao trùm của năm 2021, đó là: đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở tất cả các địa phương trong cả nước đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt kinh tế-xã hội của đất nước, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp

I/. TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG HIỆP HỘI NĂM 2021

Tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên:

Năm 2021, những khó khăn thách thức của đại dịch Covid-19, đã kéo theo hàng loạt các hệ luỵ: doanh nghiệp phải thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, làm viêc onlines, thực hiện cách ly "4 tại chỗ"; nguyên vật liệu nhập khẩu khó khăn, giá tăng cao; nhiều dự án không triển khai được hoặc bị chậm tiến độ do thiếu vốn và không giải phóng được mặt bằng do các địa phương tập trung chống dịch, thiếu nhân lực thi công.

Thực hiện "mục tiêu kép" của Chính phủ, vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh vừa duy trì sản xuất kinh doanh phát triển doanh nghiệp, các đơn vị thành viên của Hiệp hội đã nỗ lực, năng động thực hiện các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi doanh nghiệp và qui định của địa phương. Phần lớn các đơn vị thành viên đã đảm bảo sản xuất kinh doanh và thu nhập người lao động. Một số doanh nghiệp đã có sự tăng trưởng và đạt vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Nhưng cũng có một số đơn vị thành viên, nhất là các doanh nghiệp nhỏ gặp rất nhiều khó khăn.

Để nắm bắt tình hình hoạt động chung của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid – 19, theo khảo sát của Hiệp hội, về tình hình sức khỏe của các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội vào cuối tháng 10 /2021. Các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết: đã bị thu hẹp thị trường tiêu thụ sản phẩm; gần 60% doanh nghiệp thiếu vốn hoặc dòng tiền kinh doanh; 45% Doanh nghiệp bị thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và phải thu hẹp lực lượng lao động. Có tới khoảng 82% số doanh nghiệp cho biết doanh thu năm 2021 bị sụt giảm, trong đó có 20% doanh nghiệp sụt giảm doanh thu trên 50%. Tình hình ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tất cả các nhóm doanh nghiệp, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất là khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp du lịch, vận tải hàng không...     

Năm 2021 là một năm vận hành đầy biến động của hệ thống điện quốc gia khi nhiều khu vực có nhu cầu điện giảm thấp do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19; thủy văn diễn biến bất thường; tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống và dẫn đến tình trạng “thừa nguồn” ở khu vực phía nam nhưng lại thiếu điện cục bộ ở một số khu vực tại miền Bắc trong một số thời điểm nắng nóng mùa hè. Tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020, trong đó tổng công suất các nguốn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đạt 20.670 MW, chiếm tỷ trọng 27 %. Tổng công suất nguồn điện của Việt Nam đã đứng đầu khu vực ASEAN.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực - thành viên Hiệp hội đã đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, thực hiện tốt chủ đề năm 2021 là "chuyển đổi số trong EVN". Đồng thời đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong năm đã thực hiện 3 đợt giảm giá điện cho nhiều đối tượng khách hàng với tổng số tiền khoảng 3.000 tỷ đồng và ủng hộ, hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch cho nhiều địa phương và cơ sở y tế với tổng số tiền 574 tỷ đồng.

Công tác tổ chức và hội viên.

Thực hiện các qui định của Chính phủ và các địa phương về phòng chống dịch Covd-19, năm 2021 là năm thứ 2 liên tiếp Hiệp hội không tổ chức tổng kết và các hội nghị/ hội thảo trực tiếp với các đơn vị thành viên, chủ yếu qua trực tuyến (Internet, điện thoại, email) trao đổi thông tin với các đơn vị thành viên, nắm bắt các nhu cầu, các thông tin từ hội viên để điều chỉnh kịp thời cho các hoạt động của Hiệp hội phù hợp với tình hình chung, đồng thời cũng tạo sự gần gũi, gắn kết giữa Hiệp hội và các đơn vị.

  • Kiểm điểm trách nhiệm của hội viên:

    Năm 2021, đa số thành viên Hiệp hội đã nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hiệp hội, đóng góp ý kiến phản ảnh về các vấn đề thuế hải quan.. đóng hội phí đầy đủ, đúng thời hạn, song bên cạnh đó cũng có một số đơn vị ít tham gia hoạt động chung của Hiệp hội.

                Sang năm 2022, Hiệp hội mong muốn và đề nghị các đơn vị thành viên Hiệp hội tham dự đầy đủ các hoạt động khi được thông báo, vì lợi ích của doanh nghiệp và sự phát triển của Hiệp hội.

    Thực hiện là cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước.

    Hiệp hội đã tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản, các quy định của các bộ, ngành đến các đơn vị thành viên.

    Gửi các đơn vị thành viên tham dự diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Nhât Bản về Tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo; Hỗ trợ cung cấp thông tin phục vụ đề tài nghiên cứu khoa học về phát triển thương mại bền vững Việt Nam – Trung Quốc trong bối cảnh mới; Gửi công văn khảo sát sức khỏe của các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội; Tham dự Hội thảo góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn về quản lý thuế; Tham dự Hội thảo APEC về thúc đẩy các chính sách liên quan đến năng lượng tái tạo và năng lượng sạch; Gửi các đơn vị thành viên tham dự Diễn đàn cấp cao lần thứ ba về Công nghiệp 4.0; Phản ánh các vấn đề về thuế và hải quan chuẩn bị đối thoại năm 2021; Tham gia ý kiến dự thảo Tờ trình Chính phủ phê duyệt Danh mục AHTN 2022; Tham dự Hội nghị hội viên của VCCI; Gửi các đơn vị thành viên sản xuất thiết bị điện góp ý về việc: cảnh báo đối với quy định mới của Philippines liên quan đến việc chứng nhận sản phẩm;  Tham gia khảo sát đánh giá hiệu qủa hệ thống mua sắm công tại Việt Nam; Ban lãnh đạo Hiệp hội tham gia cùng Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam Dự thảo báo cáo tình hình hoạt động và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp để gửi Thủ Tướng Chính phủ; Đóng góp ý kiến phản ánh về các vấn đề thuế, hải quan, chuẩn bị Hội nghị đối thoại năm 2021.

    Hiệp hội đã tích cực tham gia và đóng góp các văn bản pháp luật, làm tốt chức năng đại diện cho doanh nghiệp, góp ý các văn bản do Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan chủ trì.

    Hàng năm Hiệp hội đã làm tốt công tác khen thưởng đối với các hội viên, đôn đốc các đơn vị đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước để hoàn thành kế hoạch sản xuất của đơn vị. Tuy nhiên, năm 2021 do đại dịch Covid -19, Hiệp hội chưa tổ chức họp trực tiếp xét thi đua khen thưởng cho các đơn vị thành viên.

    Công tác thông tin và tạp chí

    Duy trì trang website của Hiệp hội, đưa các thông tin cần thiết lên trang website để đáp ứng yêu cầu của các đơn vị và người quan tâm. Định kỳ ra các số Tạp chí Điện Việt Nam đúng thời hạn, có các trang thông tin của các đơn vị thành viên miễn phí, các trang thông tin cập nhật về chế độ, chính sách …

                 II - KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG NĂM 2022

    Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn. N ước ta đã có kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó với dịch bệnh, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của doanh nghiệp, người dân giảm sút. Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành mục tiêu của năm 2022 là: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; kiên định thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Phấn đấu tốc độ tăng trưởng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

    Để thực hiện các mục tiêu và giải pháp điều hành của Chính phủ, các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội cần tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Chủ động triển khai các biện pháp để khắc phục ảnh hưởng của dịch tới hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển; Triển khai tốt gói kích cầu đã được Quốc hội thông qua; Triển khai các biện pháp dài hạn như: Thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp; chuyển đổi số; tìm kiếm các mô hình và phương thức kinh doanh mới; quản trị doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững; tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để phát triển thị trường, chuỗi cung ứng mới. 

      Năm 2022, hệ thống điện quốc gia tiếp tục vận hành trong điều kiện nhu cầu phụ tải tăng trưởng không cao, trong khi nguồn NLTT chiếm tỷ trọng lớn, giá nhiên liệu đầu vào biến động khó lường, công tác đầu tư xây dựng các dự án điện tiếp tục gặp khó khăn. Với mục tiêu: tập trung mọi nỗ lực đảm bảo cung ứng điện cho phát triển KT-XH của đất nước và đời sống nhân dân; đảm bảo tiến độ đầu tư các dư án; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát động phong trào thi đua hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 với chủ đề năm “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”. Không để xảy ra tình trạng thiếu điện. Hoàn thành cơ bản lộ trình chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam.      

    Tăng cường vai trò của Hiệp hội: Thực hiện vai trò là cầu nối các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước. Kịp thời đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ ngành về các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp phát triển; Duy trì sinh hoạt Ban thường vụ, Hội đồng Hiệp hội và hội nghị toàn thể hội viên. Tích cực đóng góp xây dựng các văn bản pháp luật do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các Bộ, ngành yêu cầu.

                Rà soát và củng cố danh sách hội viên trên cơ sở tự nguyện để chung sức xây dựng Hiệp hội phát triển; Vận động các doanh nghiệp tham gia Hiệp hội;  Tăng cường hợp tác với các tổ chức các nước, giới thiệu các đối tác hợp tác với các hội viên trong sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh công tác Thi đua – Khen thưởng, khuyến khích người lao động phát huy sáng tạo góp phần xây dựng đơn vị phát triển; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giới thiệu các sản phẩm mới, công nghệ mới của các đơn vị lên trang Tạp chí, duy trì trang Website của Hiệp hội, xuất bản Tạp Chí Điện Việt Nam đều đặn, phục vụ tốt bạn đọc và quảng bá thương hiệu các hội viên.

Năm 2022, cơ hội và thách thức đan xen, với truyền thống, kinh nghiệm và sự nỗ lực của các đơn vị thành viên cùng với Ban lãnh đạo Hiệp hội, chúng ta sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống cho người lao động.

Nguồn : VP Hiệp Hội