Đoàn chủ tịch điều hành Hội nghị
Chủ trì Hội nghị: Ông Trần Quốc Lẫm, Chủ tịch Hiệp hội.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Ông Trần Quốc Lẫm, Chủ tịch Hiệp hội đọc Báo cáo Tổng kết năm 2023 và Triển khai phương hướng năm 2024:
Năm 2023, là một năm khó khăn chung cho nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nó có nhiều tác động đến hoạt động kinh doanh của các thành viên Hiệp hội với những khó khăn thuận lợi như sau:
Về thuận lợi:
Trước các khó khăn, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ cho nền kinh tế, thậm chí bố trí nguồn tiền dồi dào, hạ lãi xuất cho vay để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp và thúc đẩy nền kinh tế giữ vững và phát triển. Hệ thống chính trị của đất nước luôn ổn định, có sự đồng thuận, quyết tâm của toàn hệ thống. Xuất siêu của cả năm đạt ở mức cao hơn các năm trước cũng góp phần khuyến khích sản xuất tiêu dùng và xuất nhập khẩu tăng trưởng. Năm 2023, tăng trưởng GDP của nước ta tuy chưa được như kỳ vọng, nhưng ở mức cao trong khu vực và thế giới. GDP cả năm đạt 5,05%.
Khó khăn:
Nền kinh tế vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của hậu COVID – 19, bất động sản hoạt động cầm chừng, sức mua tiêu dùng trong xã hội giảm dẫn đến kinh tế chậm phát triển. Ngoài ra tác động của xung đột giữa Nga – Ukraine có tác động nhất định đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Tình hình khó khăn chung của các doanh nghiệp, việc làm và giải quyết vốn đầu tư chậm, một số dự án của ngành điện chậm tiến độ, giải ngân chậm cũng đã ảnh hưởng tới các đơn vị thành viên Hiệp hội.
Ông Trần Quốc Lẫm, Chủ tịch Hiệp hội đọc Báo cáo tóm Tổng kết Hiệp hội năm 2023 và triển khai kế hoạc năm 2024.
Hoạt động của Hiệp hội và đơn vị thành viên
Tháng 3 năm 2023 Hiệp hội đã tổ chức thành công Hội nghị Tổng kết Hiệp hội năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Họp Ban chấp hành Hiệp hội để chuẩn bị nhân sự Đại hội nhiệm VI (2023-2028) tại Lâm Đồng;
Ngày 04/8/2023, tổ chức Đại hội VI thành công, bầu ra Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Ban kiểm tra, Chủ tịch và các phó chủ tịch nhiệm kỳ VI; Hội nghị Ban Thường vụ lần thứ Nhất triển khai nhiệm vụ của Ban Thường vụ và công tác hằng năm trong nhiệm kỳ VI của Hiệp hội tại Nha Trang. Điều lệ Hiệp hội CNKT Điện Việt Nam (Sửa đổi, bổ sung) được Bộ Nội vụ phê duyệt theo Quyết định số 956/QĐ-BNV. Dấu của Hiệp hội đã được thay đổi để phù hợp với quy định. Thành lập 2 ban mới là Ban Chiến lược và phát triển thị trường và Ban Truyền thông.
Trên cơ sở Quyết định số 956/QĐ-BNV, Hiệp hội đã khẩn trương, ban hành các văn bản, quy chế, quy định để các hoạt động của Hiệp hội đi vào nền nếp, quy củ:
Năm 2023, Hiệp hội kết nạp thêm được 04 đơn vị thành viên mới.
Về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xây dựng của các đơn vị thành viên:
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Tổng Công ty/Công ty Điện lực của cả nước (Trong đó có các Công ty Thủy điện, Nhiệt điện, Công ty Truyền tải điện).
Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song EVN đã đạt nhiều kết quả tích cực. Lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 280,6 tỷ kWh, tăng trên 4,56% so với năm 2022. Điện thương phẩm trên 251 tỷ kWh, tăng 3,5%. Đến nay, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống trên 80,555MW, đứng đầu khu vực ASEAN. Trong đó nguồn của EVN và các đơn vị thành viên là gần 30 nghìn MW, chiếm trên 37%.
EVN đã triển khai đầu tư các dự án, thuộc hàng cao nhất trong các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước. Trong đó đang khẩn trương thi công 03 dự án nguồn điện trọng điểm với tổng công suất trên 2.200MW, khởi công 146 dự án và hoàn thành 163 dự án lưới điện 110-500kV.
Với các đơn vị thành viên Hiệp hội là sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng:
Năm 2023, thực sự là khó khăn với các doanh nghiệp trong đó có các đơn vị thành viên Hiệp hội.
Qua trao đổi thông tin từ các đơn vị báo cáo, doanh thu trong sản xuất năm 2023 đa số đơn vị thành viên chỉ đạt 75-80% kế hoạch, có đơn vị chỉ đạt 55-65%. Tuy nhiên có đơn vị đầu năm có khó khăn song cuối năm lại bật phá tốt như: Công ty CP Sứ Kỹ thuật Hoàng Liên Sơn, cả năm đạt 95-100% kế hoạch, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh đạt 105% kế hoạch năm.
Một số đơn vị thành viên đã tìm được việc gối đầu cho năm 2024 như các công ty xây lắp điện; Công ty CP Entec Kỹ thuật năng lượng; Tổng Công ty CP Thiết bị điện Đông Anh, Công ty CP Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn.
Các Công ty Xây lắp điện đã cố gắng thực hiện các dự án đã ký kết để đảm bảo kế hoạch chung của ngành Điện
Nhiều đơn vị thành viên Hiệp hội đã áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất đưa ra nhiều sản phẩm thiết bị điện cung cấp cho thị trường không chỉ trong nước mà còn tìm nguồn, khai thác để có cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài như: Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh; Công ty Cp Thiết bị điện THIBIDI; Công ty CP Thiết bị điện Sài Gòn; Công CP Dây Cáp điện Việt Nam – CADIVI; Công ty CP cáp điện Thịnh Phát; Công ty CP Cáp điện và hệ thống LSVINA; Công ty CP chế tạo Thiết bị điện Việt Nam; Công ty CP thiết bị điện MBT; Công ty CP sản xuất thiết bị điện Hà Nội; Công ty CP phát triển kỹ thuật công nghệ EDH; Công ty CP Điện Trường Giang; Công ty TNHH Nhất Nước….
Ông Trần Quốc Lẫm, Chủ tịch Hiệp hội,Trao Giấy chứng nhận thành viên mới
Thực hiện là cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước.
Hiệp hội đã tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản, các quy định của các bộ, ngành cho các đơn vị thành viên.
Văn phòng Hiệp hội đã gửi văn bản đến Văn phòng Chính phủ, Bộ tài chính kiến nghị (i) giảm thuế nhập khẩu lõi composite xuống 0% để sản xuất Cáp siêu nhiệt ACCC tại Việt Nam có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trong khối ASEAN. (ii) Thủ tục hoàn thuế nhập khẩu do nợ C/O còn rất chậm, thực tế từ ngày hoàn thiện hồ sơ đến ngày nhận được tiền hoàn thuế kéo dài từ 1-3 tháng. Đề nghị giảm thời gian hoàn thuế nhập khẩu chỉ từ 7-10 ngày làm việc.
Bộ tài chính đã có Văn bản số 9494/BTC-VP ngày 06/9/2023 gửi Văn phòng Hiệp hội về trả lời đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp và Hiệp hội theo 2 nội dung trên.
Hiệp hội đã tích cực tham gia và đóng góp các văn bản pháp luật, làm tốt chức năng đại diện cho doanh nghiệp, góp ý các văn bản do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan chủ trì.
Bên cạnh đó, Hàng năm Hiệp hội đã làm tốt công tác khen thưởng đối với các hội viên, đôn đốc các đơn vị đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước để hoàn thành kế hoạch sản xuất của đơn vị.
Hiệp hội đã đề nghị Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tặng Bằng khen cho các đơn vị thành viên Hiệp hội. Hiệp hội đã có Quyết định tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích năm 2023:
Cập nhật lại trang website của Hiệp hội, đưa các thông tin cần thiết lên trang website để đáp ứng yêu cầu của các đơn vị và người quan tâm.
Định kỳ ra các số Tạp chí Điện Việt Nam đúng thời hạn, có các trang thông tin của các đơn vị thành viên miễn phí, các trang thông tin cập nhật về chế độ, chính sách v..v.
Ông Trần Quốc Lẫm, Chủ tịch Hiệp hội, tặng Băng khen của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho tập thế và cá nhân là đơn vị thành viên Hiệp hội.
Ông Trần Quốc Lẫm, Chủ tịch Hiệp hội, tặng Băng khen Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Điện Việt Nam cho tập thể và cá nhân là đơn vị thành viên Hiệp hội
KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG NĂM 2024
Năm 2024, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại, nhưng với đà phục hồi hiện tại cùng với sự quyết liệt của lãnh đạo các cấp, của doanh nghiệp và người dân, và đà “tốt lên” của kinh tế thế giới, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tốt hơn, có thể tăng trưởng 6-6,5% (kịch bản cơ sở).
Năm 2024, Ngành điện phải tập trung để đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế; tăng tốc đầu tư xây dựng, đồng thời thực hiện đổi mới quản lý triệt để nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả hoạt động.
EVN phấn đấu đảm bảo cung ứng điện với sản lượng điện sản xuất và nhập là 306, 259 tỷ kWh, trong đó: điện thương phẩm năm 2024 trên 262,26 tỷ kWh và sẵn sàng với phương án cao 269,3 tỷ kWh; tiếp tục nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
Trong sản xuất kinh doanh các đơn vị thành viên tăng cường tìm kiếm công ăn việc làm, các hợp đồng, dự án, tăng cường đầu tư phát triển công nghệ mới, phát huy năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng cường hợp tác liên kết giúp đỡ lẫn nhau trong thời kỳ cách mạng 4.0. Các doanh nghiệp phấn đấu hoàn thành kế hoạch hằng năm của đơn vị.
Với quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8), ưu tiên phát triển nguồn năng lượng sạch, hướng tới giảm khí thải bằng 0 tính đến năm 2050.
Các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội cần nắm bắt xu hướng mới, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và nhanh chóng nắm bắt cơ hội để phát triển, chế tạo và sản xuất thiết bị điện phù hợp nhu cầu tiêu dùng của xã hội, biến khó khăn thành cơ hội cho riêng mình trong đầu tư và phát triển của doanh nghiệp.
Thực hiện vai trò là cầu nối với các cơ quan quản lý Nhà nước. Tích cực đóng góp xây dựng các văn bản pháp luật do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI và các Bộ, ngành yêu cầu.Tăng cường vai trò của Hiệp hội để giải quyết các kiến nghị từ các Hội viên với cơ quan quản lý Nhà nước. Tăng cường hợp tác với các tổ chức các nước, giới thiệu các đối tác hợp tác với các Hội viên trong sản xuất kinh doanh.
Tại Hội nghị các đơn vị, Hội viên Hiệp hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến cho sự phát triển của Hiệp hội như:
-Trước tiên phải làm cho Hiệp hội mạnh và phát triển, các đơn vị thành viên phải gắn kết, vươn lên hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau phát triển.
-Về hội phí nên điều chỉnh tăng cho phù hợp với xu thế phát triển chung;
-Cần phát huy vai trò của các Ban để mở ra cơ hội phát triển và có kinh phí hoạt động, các Hội nghị nên có chủ đề để có mục tiêu phấn đấu;
-Hiệp hội nên phối hợp với các tổ chức để tổ chức các hội nghị chuyên đề.
-Hiện nay trong ngành sản xuất Thiết bị điện còn yếu kém do vậy chúng ta cần phát triển đi lên hơn nữa, Hiệp hội là tổ chức đầu mối để các đơn vị cùng phối hợp để chúng ta có đủ sức cạnh tranh và phát triển;
-Năm qua Hiệp hội đã thường xuyên thông báo các sự kiện kịp thời để các Hội viên nắm được Hiệp hội đã có ý kiến kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước để bảo vệ quyền lợi của Hội viên và đã có tiếng nói có trọng lượng hơn.
-Các doanh nghiệp nên có phản ánh kịp thời các vấn đề cần hỗ trợ để Hiệp hội giải quyết kịp thời.
-Đối với Tổng sơ đồ phát triển điện lực giai đoạn VIII có rất nhiều công việc, chúng ta cần tận dụng để có nhiều việc làm, chúng ta cần kết nối được các công việc từ điện áp 110kV trở lên để đảm bảo công việc cho các đơn vị xây lắp. Hiệp hội nên có tiếng nói trong định mức, cung cấp vật tư cho công tác xây lắp điện.
Ông Trần Quốc Lẫm, Chủ tịch Hiệp hội kết luận Hội nghị:
Về cung cấp điện đề nghị EVN và các Tổng Công ty Điện lực, các Công ty Điện lực các tỉnh đảm bảo cung cấp điện đầy đủ cho sản xuất và tiêu dùng.
Công tác Xây lắp điện cần thực hiện tốt các dự án về ngành điện, đảm bảo kế hoạch và chất lượng dự án.
Các đơn vị Hội viên Hiệp hội tổ chức tốt sản xuất để hoàn thành kế hoạch đã đề ra.
Giữ vững đoàn kết các Hội viên Hiệp hội, phối hợp với nhau đề cùng phát triển Tăng cường đưa thông tin về hoạt động SXKD của các đơn vị trên trang Web của Hiệp hội và đăng trên Tạp chí Điện Việt Nam. Cố gắng phấn đấu để kết nạp thêm Hội viên mới./.